Hành trình từ một hãng xe điện nhỏ bé tới vốn hóa lớn hơn Ford & GM cộng lại của Vinfast
Kể từ khi lên sàn vào giữa tháng 8, cổ phiếu của VinFast Auto đã tăng gần 700%.
Là 1 công ty sản xuất xe điện chưa hề có lãi, VinFast đã vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 thế giới xét theo giá trị vốn hóa, bỏ xa những tập đoàn lâu đời như General Motors và Ford Motor.Mới đây tờ Bloomberg đã có bài viết giải thích lại hành trình chóng vánh của VinFast.
Điều gì đã xảy ra?
Ngày 15/8, VinFast, công ty ô tô của tỷ phú giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, đã chính thức niêm yết cổ phiếu và có mặt trong chỉ số Nasdaq Global Select Market.
Liên tiếp các phiên sau đó, cổ phiếu VFS đã tăng mạnh, có thời điểm đưa giá trị vốn hóa của công ty lên gần 200 tỷ USD.
Đến thời điểm chốt phiên hôm qua (29/8), sau 6 phiên tăng mạnh liên tiếp, trước áp lực chốt lời lớn, cổ phiếu VFS đã giảm gần 44% còn 46,25 USD/cp. Vốn hóa thị trường giảm 83 tỷ USD xuống còn hơn 107 tỷ USD. Dù đã giảm mạnh, đây vẫn là mức cao hơn so với tổng vốn hóa của GM và Ford cộng lại.
Điều gì khiến cổ phiếu VFS tăng mạnh đến vậy?
Theo Bloomberg, lý do lớn nhất là sự khan hiếm. Theo bản cáo bạch, lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành của VinFast Auto. Điều này khiến lượng cổ phần tự do chuyển nhượng sau khi VinFast niêm yết ở mức rất thấp. Cơ cấu cổ đông cô đặc đồng nghĩa nếu 1 người mua vào 1 lượng cổ phiếu đủ lớn cũng có thể khiến giá cổ phiếu biến động rất mạnh.
Ngoài ra cổ phiếu VFS cũng “lọt vào tầm ngắm” của các nhà giao dịch nhỏ lẻ - nhóm nhà đầu tư rất ưa chuộng các cổ phiếu xe điện.
Tình hình kinh doanh của Vinfast ra sao?
VinFast đã lỗ 598,3 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2023, trong khi doanh thu đạt 65,1 triệu USD trong cùng kỳ. Bản thân lãnh đạo công ty cũng dự báo trong ngắn hạn khoản lỗ hoạt động sẽ tiếp tục tăng lên, nhưng là do VinFast mở rộng quy mô sản xuất, thiết lập nhà máy và chi trả cho các chi phí marketing, bán hàng và nâng cấp dịch vụ.
VinFast vừa bắt đầu xây dựng 1 nhà máy ở North Carolina từ tháng 7. Công ty dự báo sẽ bán được 45.000 đến 50.000 chiếc xe trong năm nay. Theo dự đoán của ông Phạm Nhật Vượng, công ty sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2024 và có thể có lãi sau năm 2025.
Cổ phiếu VFS tăng vọt, tài sản của tỷ phú Vượng ra sao?
Ít nhất là trên giấy tờ, sự kiện này đã giúp ông Phạm Nhật Vượng trở nên giàu có hơn. Dù đã giảm mạnh 27 tỷ USD sau phiên hôm qua theo thống kê của Forbes, số cổ phần tại VinFast giúp tài sản của ông đạt 39 tỷ USD.
Còn trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, vì cổ phiếu VFS biến động quá mạnh, Bloomberg vẫn chưa tính đến giá trị số cổ phiếu VFS vào tổng tài sản của ông. Do đó, theo tính toán của Bloomberg thì hiện ông đang có tài sản 5 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phần tại tập đoàn Vingroup JSC.
Cổ phiếu VinFast đang đối mặt với những rủi ro nào?
Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra đối với giá cổ phiếu. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Tyler Manh Dung Nguyen của Maybank, VinFast vẫn là 1 “người chơi” mới trên thị trường xe điện, do đó sẽ cần thêm thời gian và tiền bạc để xây dựng thương hiệu cũng như tăng doanh số.
Ngoài ra, các thách thức mà công ty đang phải bao gồm tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, xu hướng lạm phát tăng và tất nhiên là sự cạnh tranh từ những đối thủ dày dặn kinh nghiệm hơn như Tesla, Ford hay GM.
Dẫu vậy, niềm tin vào các startup xe điện không phải là không có cơ sở. Xe điện vẫn là 1 thị trường hết sức tiềm năng. Theo 1 nghiên cứu mới đây của Bloomberg New Energy Finance, số xe điện được bán ra trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 27 triệu chiếc vào năm 2026, tăng mạnh so với mức 10,5 triệu chiếc của năm 2022.
Và theo chuyên gia Nicholas Colas của Datatrek, đối với các nhà đầu tư thì sức hấp dẫn của VinFast nằm ở 2 thế mạnh riêng: chỉ sản xuất xe điện và đến từ thị trường mới nổi. Kể cả ở mức giá thấp nhất mà VinFast chạm đến trong tuần trước, hiện hãng vẫn là nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 đang niêm yết cổ phiếu ở TTCK Mỹ (sau Tesla và Li Auto).
Nguồn: Tham khảo Bloomberg